Màu sắc trong thiết kế nội thất đóng vai trò vô cùng quan trọng bởi màu sắc như “công cụ” bổ trợ cho không gian sống thêm phần hoàn mỹ, đánh bật phong cách và thể hiện gu thẩm mỹ của gia chủ. Công trình sẽ không còn sức sống nếu thiếu vắng sắc màu cũng như sẽ trở nên vô nghĩa nếu chúng ta không biết cách kết hợp màu sắc.
Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, hãy cùng Fenci Interior Design theo dõi bài viết dưới đây để biết được màu sắc trong thiết kế nội thất có vai trò, tác dụng ra sao và tầm quan trọng của việc lựa chọn màu sắc phù hợp?
Vai trò của màu sắc trong thiết kế nội thất
Một ngôi nhà được đánh giá là đẹp cần xét trên nhiều tiêu chí, khía cạnh từ sự kết nối giữa nội - ngoại thất đến sự tương đồng, hài hòa giữa các yếu tố bên trong không gian từ màu sắc trong thiết kế nội thất, ánh sáng, vật dụng nội thất, đồ trang trí và cả cách tổ chức, bố cục không gian. Tất cả mọi thứ đều được “cân đo đong đếm” sao cho đạt được tỷ lệ hài hòa nhất để đảm bảo tính thẩm mỹ nhưng vẫn đảm bảo tính tiện nghi và đáp ứng sự thoải mái trong sinh hoạt.
Theo các nghiên cứu khoa học, màu sắc không chỉ quyết định vẻ đẹp tổ ấm mà còn có liên quan mật thiết về vấn đề tâm lý học, ảnh hưởng trực tiếp đến thái độ, cảm xúc của con người. Bởi khi mắt người nhìn vào một màu sắc cụ thể, đôi mắt sẽ truyền tín hiệu liên lạc với vùng não dưới đồi, gửi một chuỗi các tín hiệu đến tuyến yên, vào hệ thống nội tiết và tuyến giáp, cuối cùng sẽ tiết ra các hormone tác động đến tâm trạng, cảm xúc và hành vi con người.
Qua đó có thể thấy màu sắc thật sự quan trọng trong thiết kế nội thất và thành công của một công trình sẽ phụ thuộc vào cách mà chúng ta vận dụng màu sắc ĐÚNG theo bối cảnh, theo đối tượng và theo mục đích sử dụng.
Tác động của màu sắc trong thiết kế nội thất
Trước khi tìm hiểu sâu vào ý nghĩa của từng gam màu cũng như nguyên tắc phối màu phù hợp theo từng không gian, hãy cùng tìm hiểu sức ảnh hưởng của màu sắc đối với thiết kế nội thất để tránh “vấp phải” những sai lầm ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ trong toàn tổng thể.
Màu sắc điều chỉnh không gian
Tại sao nói màu sắc có thể điều chỉnh không gian? Trên thực tế, dù vẫn diện tích như thế nhưng nếu bạn sử dụng những gam màu tươi sáng sẽ tác động đến thị giác, giúp căn phòng trông như được “cơi nới”, mở rộng thêm. Đây cũng chính là giải pháp thường được các KTS áp dụng trong những căn nhà có diện tích khiêm tốn để tạo cảm giác thoải mái, thông thoáng trong sinh hoạt. Và ngược lại những gam màu u tối, trầm buồn sẽ ảnh hưởng đến cảm giác, khiến không gian như bị thu nhỏ và chật hẹp hơn so với diện tích thực.
Màu sắc giúp phân chia không gian
Ngày nay, thiết kế nội thất thường hạn chế các bức tường, vách ngăn giữa các phòng, khu vực để tối ưu trải nghiệm cũng như tiện ích sử dụng, tăng tầm nhìn và tạo sự rộng thoáng cho không gian. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể phân định chức năng của từng khu vực thông qua những mảng màu đậm nhạt được phối trộn đầy khéo léo từ màu tường, sàn cho đến đồ nội thất.
Màu sắc tạo điểm nhấn trong không gian
Màu sắc còn có vai trò quan trọng trong việc tạo điểm nhấn cho không gian, thu hút thị giác người nhìn và giúp căn nhà trở nên sinh động, có cá tính hơn. Thông thường, những gam màu tác dụng nhấn điểm sẽ có sắc thái rực rỡ, nổi bật và không chiếm tỷ lệ vượt quá 10% trong không gian. Việc vận dụng màu sắc nhấn điểm cũng vô cùng linh hoạt, đó có thể là một bức tranh nghệ thuật đầy sắc màu, một món đồ nội thất có màu sắc nổi trội so với phần còn lại…
Màu sắc mang lại sự hoàn thiện cho tổng thể
Và cuối cùng, màu sắc chính là mảnh ghép còn thiếu cho một không gian sống hoàn thiện, thẩm mỹ và tinh tế. Sự phối trộn hài hòa giữa màu tường, màu sàn, màu nội thất kết hợp cùng sự bổ trợ của ánh sáng sẽ là “chìa khóa” để mở ra một thiết kế có gu.
4 nguyên tắc phối màu sắc trong thiết kế nội thất phổ biến
Nguyên tắc màu sắc 60 - 30 -10 trong thiết kế nội thất
Đây là nguyên tắc phối màu sắc thường được áp dụng trong thiết kế nội thất, nằm trong vùng an toàn và không đòi hỏi kỹ thuật quá cao. Việc của bạn là cần xác định rõ 3 thành phần màu sắc bao gồm: gam màu chủ đạo, màu của nội thất và màu điểm nhấn, sau đó áp dụng định lý 6-3-1. Trong đó, 60% sẽ là tỷ lệ màu chủ đạo chiếm trên tổng diện tích căn phòng, 30% là màu thứ cấp (thường là màu nội thất) và 10% màu điểm nhấn.
Thông thường màu chủ đạo sẽ rơi vào những gam màu trung tính hay pastel nhẹ nhàng, dễ làm nền và tôn lên các chi tiết màu sắc khác, còn màu nội thất sẽ đậm hơn một chút và nổi bật nhất vẫn là gam màu có tác dụng nhấn điểm không gian.
Lấy ví dụ như trong mẫu thiết kế phòng khách dưới đây, có thể thấy màu be sẽ là màu chủ đạo được dùng ở màu sơn trần và tường, tiếp đến màu ghi được sử dụng trên đồ nội thất, chiếc ghế armchair màu đỏ sẽ đóng vai trò là màu sắc nhấn điểm không gian.
Nguyên tắc màu sắc đối lập giữa màu nóng và màu lạnh
Màu sắc trong thiết kế nội thất nhìn chung sẽ được chia thành 2 nhóm màu: màu nóng và màu lạnh. Bạn có thể dễ dàng nhận biết đâu là màu nóng đâu là màng lạnh thông qua bánh xe màu sắc. Trong đó, màu nóng sẽ là những gam màu rực rỡ có xu hướng mang lại cảm giác lạc quan và hứng khởi như màu đỏ, cam, vàng,... Còn màu lạnh như xanh dương, xanh lá, tím, xám… sẽ cho bạn cảm giác mát mẻ và bình yên.
Tùy theo mục đích sử dụng và không gian cụ thể mà KTS sẽ quyết định tông màu phù hợp, bởi mỗi gam màu sẽ có ý nghĩa cũng như nguồn năng lượng khác nhau. Cụ thể, màu nóng với nguồn năng lượng tươi mới, tích cực sẽ thường được khuyên sử dụng trong các không gian giải trí. Còn màu lạnh với năng lượng nhẹ nhàng, yên ả sẽ rất phù hợp với những không gian cần sự yên tĩnh, tập trung như phòng ngủ hay phòng làm việc.
Nguyên tắc phối màu bổ sung
Nguyên tắc phối màu sắc bổ sung là nguyên tắc kết hợp cặp màu sắc đối xứng trên bánh xe màu sắc. Nếu nguyên tắc 6-3-1 là nguyên tắc có độ an toàn cao, phù hợp với thị hiếu đại đa số gia chủ thì nguyên tắc phối màu bổ sung lại được đánh giá là đơn giản nhất. Bạn chỉ cần chọn 2 màu sắc đối diện nhau như xanh dương - cam, vàng - tím, đỏ - xanh lá cây là đã có thể cho ra một không gian nội thất mang lại hiệu quả tốt về mặt thị giác mà không cần phải đắn đo quá nhiều.
Tuy nhiên, để đạt được độ thẩm mỹ cao cũng như tạo sự thoải mái trong sinh hoạt khi phối màu sắc trong thiết kế nội thất theo nguyên tắc tương tự bạn hãy đảm bảo sự cân bằng và hài hòa trong tỷ lệ các gam màu. Lúc này vận dụng kèm nguyên tắc 6-3-1 sẽ là một gợi ý hay để các gam màu nằm trong sự kiểm soát của bạn.
Bên cạnh bảng màu thể hiện trên bánh xe màu sắc thì 3 gam màu trung tính huyền thoại: đen - xám - trắng cũng là một gợi ý hay cho những gia chủ thích sự tối giản, cá tính và hiện đại trong thiết kế.
Ý nghĩa của màu sắc trong thiết kế nội thất
Không chỉ mang đến sức hút và cảm nhận riêng biệt, mỗi màu sắc còn có nguồn năng lượng riêng tác động trực tiếp đến tâm trạng con người. Sau đây hãy cùng FENCI khám phá ý nghĩa của màu sắc trong thiết kế nội thất nhé.
Màu đỏ trong thiết kế nội thất - nổi bật, quyền lực
Không phải ngẫu nhiên mà màu đỏ luôn là ứng cử viên số một dùng để nhấn mạnh những vấn đề quan trọng. Màu đỏ mang sắc thái mạnh mẽ tượng trưng cho khát vọng, nhiệt huyết. Theo các nghiên cứu khoa học, gam màu này có tác dụng kích thích tuyến yên, làm tăng nhịp đập của tim, vậy nên khi ngắm nhìn màu đỏ sẽ kích thích cơ thể bạn trở nên tràn đầy năng lượng, năng nổ hơn.
Trong thiết kế nội thất, màu đỏ còn là biểu tượng cho sức mạnh của quyền lực, đại diện cho bậc vua chúa, quý tộc thời xưa. Vậy nên với những phong cách đề cao sự sang trọng, vương giả như cổ điển, tân cổ điển, luxury người ta thường dùng tone đỏ có sắc độ trầm để nhấn điểm các chi tiết nội thất.
Màu vàng - màu của sự vui vẻ và năng lượng tích cực
Thuộc gam màu nóng và sở hữu sắc thái rực rỡ, bắt mắt, màu vàng cũng thuộc top những gam màu nhấn điểm hiệu quả. Là màu của ánh nắng, màu vàng là đại diện của niềm tin và sức mạnh, đem đến sự lạc quan, nguồn năng lượng tích cực cho không gian sống. Bên cạnh đó, màu vàng trong thiết kế nội thất còn có tác dụng kích thích trí óc, sự sáng tạo đem lại bầu không khí năng động và nhiệt huyết nên thường được sử dụng cho góc làm việc, học tập hay phòng ngủ của các bé. Tuy nhiên đây là gam màu khá “chói” do đó bạn nên cân bằng với những gam màu trung tính, nhẹ nhàng với tỷ lệ vừa phải.
Màu cam - Tươi vui và nhiệt huyết
Là sự kết hợp giữa vàng và đỏ, màu cam xuất hiện rất nhiều trong đời sống nói chung và thiết kế nội thất nói riêng. Không chỉ mang năng lượng tích cực, tươi vui, trẻ trung, sắc cam còn có rất nhiều ý nghĩa xoay quanh sự lạc quan, hạnh phúc, niềm vui. Với những ý nghĩa tích cực như vậy, gam màu này sẽ đem đến nguồn năng lượng tươi vui lan tỏa trong khắp các ngóc ngách ngôi nhà. Mặt khác, màu cam còn kích thích sự tập trung và giữa đầu óc được tỉnh táo, nên thường được sử dụng trong không gian phòng làm việc, phòng đọc sách.
Màu xanh dương - Màu của niềm tin và hy vọng
Màu xanh dương (Blue) là một trong những màu sắc được sử dụng nhiều trong thiết kế nội thất bởi lẽ có rất nhiều gia chủ đã “phải lòng” gam màu nhẹ nhàng này. Mang sắc màu của bầu trời, của biển cả, màu xanh dương gắn liền với các thông điệp như màu của niềm tin, hòa bình và lòng trung thành. Sắc xanh thuộc về gam màu lạnh, gợi cảm giác thư giãn và khiến người sống trong không gian này cảm nhận được sự an toàn và bình yên.
Màu xanh lá cây - Thiên nhiên, tươi mới
Là màu sắc gắn liền với thiên nhiên, màu xanh lá cây luôn toát lên sức sống mạnh mẽ của sự sinh sôi và phát triển. Khi xu hướng mang thiên nhiên vào không gian sống ngày một thịnh hành, thì sắc xanh cũng xuất hiện với tần suất nhiều hơn và đa dạng trong tất cả các không gian từ phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ màu xanh cho đến phòng tắm. Nhìn chung, gam màu xanh lá cây sẽ là sự lựa chọn hoàn hảo cho một không gian sống thư giãn, xoa dịu cảm xúc và mang đến sự cân bằng giữa tâm hồn và thể xác.
Màu tím - Quý tộc và lãng mạn
Màu tím là một gam màu lãng mạn, sang trọng đậm chất quý tộc hoàng gia và gợi một chút gì đó bí ẩn, tinh tế nhưng cũng vương chút hoài cổ. Tùy theo sắc độ đậm nhạt mà màu tím sẽ mang những ý nghĩa khác nhau. Như màu tím đậm mang ý nghĩa sang trọng thì màu tím nhạt lại thể hiện sự lãng mạn, mộng mơ và không kém phần trẻ trung phù hợp cho những không gian hiện đại.
Màu đen trong thiết kế nội thất - Huyền bí và cá tính
Người ta thường ngại áp dụng màu đen trong thiết kế nội thất, bởi lẽ đây tuy là gam màu có sức hút mạnh mẽ, cá tính, sang trọng và tượng trưng cho sự huyền bí, đại diện cho quyền lực, kích thích sự tò mò muốn khám phá thế nhưng nếu áp dụng với tỷ lệ không đúng sẽ dễ gây phản tác dụng, khiến không gian trông chật chội và thu hẹp hơn so với diện tích thực.
Do đó, khi vận dụng màu đen vào thiết kế nội thất, bạn hãy cân đối trong tỷ lệ các mảng màu. Một cách áp dụng thường thấy chính là sử dụng cặp màu huyền thoại: trắng - đen, hoặc áp dụng nguyên tắc 60 - 30 -10 với 30% là màu đen trên đồ nội thất.
Màu trắng - Màu của sự thanh thuần, tinh khôi
Nếu ai đó hỏi Fenci rằng đâu là màu sắc được sử dụng nhiều nhất trong thiết kế nội thất thì câu trả lời chắc hẳn là gam màu trắng. Sắc trắng tinh khôi là sự biểu tượng cho sự giản dị, thanh thuần và sạch sẽ nhưng cũng mang ý nghĩa về sự thanh cao và sang trọng. Trong thiết kế nội thất, màu trắng có thể kết hợp nhịp nhàng với bất kỳ gam màu nào và phù hợp với hầu hết các phong cách thiết kế. Mặt khác, đây cũng là gam màu lý tưởng để mang đến giải pháp rộng rãi, thoáng đãng cho không gian.
Màu xám - Thanh lịch và sang trọng
Không mạnh mẽ, cá tính như gam màu đen, cũng không quá trong trẻo như gam màu trắng, màu xám là đại diện cho sự thanh lịch và sang trọng, cho sự sáng tạo, quy chuẩn và nghiêm túc. Thế nên, nếu bạn đang tìm kiếm một màu sắc trung tính an toàn, vừa cá tính vừa sang trọng thì màu xám chính là ứng cử viên phù hợp mà bạn có thể cân nhắc.
Màu nâu - bền vững, trầm ổn
Là gam màu của đất, màu nâu luôn mang đến cảm nhận về một chút gì đó mộc mạc, chân quê, thân thuộc khó nói nên lời. Bên cạnh đó, màu nâu còn là gam màu đại diện cho sự trầm lắng, cổ điển, truyền thống và tính bền vững. Trong thiết kế nội thất, màu nâu sẽ mang đến cảm giác ấm áp và khỏe khoắn cho thiết kế.
Một số lưu ý khi chọn màu sắc trong thiết kế nội thất
Hạn chế sử dụng quá nhiều gam màu rực rỡ
Tuy nói màu sắc là đại diện cho gu thẩm mỹ cá nhân của chủ sở hữu, bộc lộ một góc nội tâm của gia chủ. Thế nhưng nếu kết hợp quá nhiều gam màu rực rỡ trong một không gian sẽ dẫn đến nhiều bất cập như gây nhiễu thị giác, khó tập trung, nghỉ ngơi và khiến các thành viên trong gia đình dễ bị căng thẳng, áp lực nếu tiếp xúc trong thời gian dài.
Vậy nên, thay vì lạm dụng quá nhiều màu trắng, hãy thử cân bằng không gian với những gam màu ấm áp khác, như màu nâu của gỗ, những gam màu sinh động nhấn điểm hay đơn giản hơn là những chậu cây xanh trang trí đầy sức sống, tươi xanh và mát mắt.
Tránh sử dụng màu quá tối
Nếu những gam màu sáng có tác dụng cơi nới, giải phóng không gian thì gam màu tối lại khiến không gian chật chội, bí bách và u ám nếu lạm dụng quá nhiều. Thế nên hãy kết hợp gam màu sáng tối một cách thông minh và đừng quên tối ưu nguồn sáng tự nhiên, bố trí hệ thống chiếu sáng phù hợp để màu sắc được phô diễn một cách tốt nhất.
Không sử dụng một màu sắc
Cũng như việc sử dụng một màu trắng thuần, không gian sẽ dễ trở nên nhàm chán, đơn điệu nếu chỉ sử dụng duy nhất một gam màu. Thay vào đó hãy thử áp dụng nguyên tắc phối màu 60 - 30 -10 hay kết hợp cặp màu tương phản để không gian thêm phần ấn tượng, thu hút.
Không nên chạy theo xu hướng
Mỗi năm Pantone lại công bố một màu sắc chủ đạo của năm. Việc sử dụng màu sắc “hot” tại mỗi thời điểm là không xấu, chúng sẽ giúp căn nhà của bạn trở nên có “gu” hơn. Tuy nhiên, bạn cũng cần cân nhắc những gam màu đó có thật sự phù hợp với sở thích hay lối sinh hoạt của gia đình chưa. Ngoài ra, khoản chi phí và thời gian dành cho việc chạy theo xu hướng cũng là không hề nhỏ, nên hãy cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định.
FENCI vừa gửi đến bạn những thông tin liên quan đến màu sắc trong thiết kế nội thất cũng như ý nghĩa riêng biệt và cách vận dụng màu sắc phù hợp theo từng không gian, mục đích sử dụng. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp cho bạn nhiều kiến thức bổ ích cũng như có thêm nhiều ý tưởng phối hợp màu sắc phù hợp với không gian sống của mình.